Ngày đăng bài: 09/10/2019 08:54
Lượt xem: 1942
PHỐ
Phố, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ Phố, người Hà Nội Phố, cái nghĩa của người lính Phố, và bi kịch một thế hệ Chuyện về con phố nhà binh!

Một ngày chuyển mùa ngồi đọc “PHỐ” của Chu Lai

 

Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo

Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ

Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở

Cho làm câu hát để người lý lơi

 

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ

Vấn vương với sợi tơ trời

Tình riêng bỏ chợ

Tình người đa đoan”.

 

           

          Người ta nói rất nhiều về Phố, người ta viết rất nhiều về Phố, tôi đọc xong Phố của Chu Lai và chỉ ám ảnh về hình ảnh Thảo. Ngày nhỏ, khi bài hát “Chị tôi” trong phim “Người Hà Nội” – bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Phố cất lên, tôi có hỏi mẹ: “đa đoan” là gì? Mẹ tôi nói đa đoan là người mang nhiều nỗi buồn, nhiều tâm sự. Trong tâm trí non nớt của tôi ngày đó, tôi chỉ nhớ rằng trong phim có một cô rất đẹp. Rất đẹp, cớ mà sao cô lại mang nhiều nỗi buồn? Sau này tôi mới biết “Chị tôi” là hiện thân của Thảo – người con gái Chu Lai đã vẽ nên bởi những nét chân dung đoan trang, chịu thương chịu khó nhưng những giá trị truyền thống đó cũng phải chật vật trước sự thay đổi của xã hội thời mở cửa.

            Cuốn sách bắt đầu bằng một không gian rất đẹp: “Biển sáng nay có mưa bay. Những sợi mưa mỏng đan xiên xiên vào nắng nhẹ, dệt nên những dây kim nhũ ánh bạc rồi thảng thốt dừng lại, ngọt ngào chui sâu vào lòng cát mềm mịn. Gió lao xao. Cả bãi biển cũng lao xao cảnh yên bình, thơ thới. Và xanh. Xanh đến ngút ngát…”. Để rồi khi những dòng cuối cùng của trang sách khép lại với bước chân liêu xiêu của Bình trên con phố nhà binh – một con phố đang im ngủ, chỉ có mùi hương hoa mỹ phẩm là còn ngan ngát khắp hàng cây, người ta phải lần giở lại những trang đầu để thấy cái cảnh mênh mang sóng nước ban đầu, nó không còn đẹp và yên bình như vậy nữa. Và như vậy, mạch truyện được mở ra với những tấn bi kịch rất đời của Nam, của Thảo, của Bình, của Lãm, của Loan và những người sống quanh khu phố nhà binh những thập niên đầu 90 ở Hà Nội.

            Phố được viết với giọng kể đều đều nghiêm túc như một thước phim chính luận quay chầm chậm, góc quay lia hết các ngả, các ngóc ngách của các gia đình trong khu phố. Không phô trương, màu mè, không bi tráng, lãng mạn, thô tục, phố lính là nơi tập hợp những ngôi nhà nhà binh, những giao tranh của giá trị cũ- cái truyền thống và các giá trị mới trong thời buổi đất nước mới mở cửa chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Cái chất tình người lính của mọi người trong khu phố hòa với nhau tạo nên những nhịp đập lúc nhanh gấp, khi lại trầm lắng. Các xung đột luôn được đẩy nhanh, mừng vui, bi kịch.. trong mạch chuyện của những nhân vật chính, phụ. Tất cả các chi tiết đan xen với nhau tạo nên phố như ẩn dấu một bức tranh chung của toàn cảnh xã hội.

 

Phố, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ

Phố, người Hà Nội

Phố, cái nghĩa của người lính

Phố, và bi kịch một thế hệ

Hãy đọc và cảm nhận

 

P.s. Hơi dài, nhưng ai yêu mến truyện có thể đọc qua các phần của PHỐ

Một

Phố chạy thẳng thớm, không có ngã tư, ngã năm, số nhà bên trái nhiều gấp đôi số nhà bên phải, vỉa hè lát gạch rộng rãi, mùa đông kín gió, mùa hạ lá cành giao tán trên cao tạo thành một hành lang rượi mát, rất mê hoặc những bước chân, những vành xe đạp, xe máy làm bụi từ mọi vùng nắng nóng lảng vào."

 

Hai

"Có một gia đình như thế nằm lọt thỏm giữa khu phố đó"

"Người chồng tên Nam, kỹ sư công binh đóng quân tại bên kia cầu Thăng Long. Vợ là bác sỹ quân y, tên Thảo… Hai vợ chồng bộ đội mới chỉ sinh hạ được mỗi mống con gái lên bảy, dáng dấp cao ráo giống cha, mặt mày thanh thoát giống mẹ và có con mắt nhìn bụi bụi, lỳ lỳ giống như cái nhìn của hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong phố lính này"

 

Ba

"Một giọng nói du dương nửa nam nửa nữ theo kiểu bán băng phiến dạo đột ngột vang lên ngay tại cửa ra vào. Đó là đạo diễn Trọng Bình kiêm nghề kiến trúc sư có hạng, thương binh loại bốn trên tám, tóc dài râu rậm, vóc dáng nhỏ con nhưng chuyên nói lời vu quát, bạn hàng xóm thân thiết của cả hai vợ chồng."

 

Bốn

"Đêm đã về khuya. Đêm mùa đông Hà Nội sâu hun hút khiến cho những kẻ mang tâm hồn sôi động nhất cũng bất giác tĩnh lặng lại mà hướng mọi suy nghĩ trôi ngược vào trong lòng mình."

...

Nam ngồi xuống thân cây cột đèn đổ ở gần đấy, mua thuốc lá hút. Lâu nay tự dưng anh không thích chỗ đông người và lúc này đây, anh càng không thể chịu nổi sự ồn ào. Anh khác với Bình. Không vợ không con, không nấu nướng, một nửa thời gian là Bình lang thang ngoài phố và uống rượu trắng nhắm với mấy củ lạc ở đây. Và nếu có bóng dáng bình ở đâu thì thường có bóng dáng ông nhà thơ kiêm soạn giả chèo một thời tên tuổi ở đó. Gần đây anh có nghe nói ông lên mục kỉnh, bày giấy má trước cửa cơ quan viết chữ Hán thuê cho người qua kẻ lại. Chữ ông đẹp như chính những làn điệu chèo của ông như người ta vẫn thường gọi ông là nhà thơ bất đắc chí, cái gì ông viết ra cũng điều là tâm huyết song người đời không mấy ai hiểu ại cho ông là kẻ ương gàn. Bình có lần bảo ông đang bị mắc chứng bệnh hiểm nghèo. Ông đề chữ Hán cho thiên hạ để khuây nguôi đi căn bệnh ấy để giễu đời, để kiếm sống? Kiếm sống!...

Năm

" Cũng buổi tối lạnh lẽo ấy, cái gã trai nhếch nhác mặc quân phục, chân đi dép rọ, tóc tai cượp ráy mà vị đạo diễn cho là kẻ trộm lảng vảng kia hiện đang có mặt tại trước cửa một nôi nhà cách đó chừng vài ba dãy phố. Cô gái đứng sau gã cũng ăn vận nhếch nhác không kém, thậm chí còn nhếch nhác hơn, chân xỏ đôi dép nhựa Tiền Phong, tay xách một chiếc túi du lịch đã bung hết khóa… Dưới chân gã là một con chó không rõ là giống gì nhưng cũng xơ xác và dữ tơn giống chủ, đang quanh quẩn hếch mõm lên đứng đón những cái bã mía từ khuôn miệng phồn thực của chủ phun xuống"

_ Vào! Tôi đã bảo cô cứ vào, sợ mẹ gì!

...

_ Lại là anh đấy à? Anh còn muốn điều gì nữa ở cái nhà này?

 

Sáu

Vị tướng đã về hưu giờ đây đang bán cà phê cùng với người vợ già tại ngay căn phòng mặt tiền rộng có hơn chục thước vuông của mình. Nếu bà vợ đứng bán thì ông lui cui đập đá, chế nước sôi. Nếu khách đông, ông sẽ tự tay bưng bê cho thiên hạ luôn.

Tám

Phố vắng. Gió lạnh. Trận mưa hồi chiều đã dứt từ lâu nhưng những giọt nước còn vương trên tán lá vẫn không nguôi tí tách rơi xuống mặt đường. Ngọn đèn dầu cháy thắc thỏm trên bàn bán nước. Các cánh cửa chính, cửa sổ của mọi nhà đã dần dần được khép kín, xa lắm mới có một giọng rao bán bánh mỳ đêm nghe tắc nghẹn. Bánh mỳ đơi… Bánh mỳ đũa cả đơ..ơ…i...

 

Mười

"Giới thiệu nhé: Dũng, Đặng Tấn Dũng, chín năm tù giam vì tội hành hung trấn cướp trên suốt đoạn đường sắt Hà Nội-Lào Cai mới mãn hạn về, nay đang tập làm lại một người lương thiện. Nói thêm: Vốn đã từng có ba tháng là lính tiền tiêu thuộc cao điểm 45 Xí Mần, rồi sau đó là bùng vì đếch chịu được đói"

 

Mười ba

Năm nay thu về có chiều sớm hơn mọi năm.

Mới chiều qua còn héo hắt đến cả cây cành mà sáng nay, chỉ cần một làn gió se lạnh thổi tới là những lá sấu vàng đã vội rùng mình bứt xuống trôi lãng đãng qua khung cửa số

 

Mười bảy

"Chưa bao giờ cái đất văn vật ấy lại phải chịu một áp suất ghê gớm của độ đè nén đồng tiền như bây giờ. Khắp nơi kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền, đồng tiền len lỏi vào nhân cách, sục sạo vào các quan hệ cha con vợ chồng, luồn vào cái hôn của đôi trai gái, làm méo những giấc mơ học trò, làm đổi mầu các giá trị tư tưởng như không bao giờ đổi mầu được..

 

Xưa nay người Hà Nội coi rẻ đồng tiền bao nhiêu; cho đồng tiền là phương tiện hạ cấp, là con điếm nhớp nháp, là một phạm trù đối lập cay độc với văn hóa, với niềm tâm linh sâu thẳm của tâm hồn; tình yêu và ước vọng của những trái tim con gái không hề có chỗ cho tình yêu tràn ngập vào; thì giờ đây lại coi trọng đồng tiền bấy nhiêu. Giống như sau một đêm ngủ dậy, người Hà Nội hào hoa bỗng nhiên bị con ma kim tiền nhập vào và không thể thoát ra được nữa. Và hối hả và cuồng nộ và đăm say kiếm tiền như một thời đắm say những phạm trù cao siêu, lãng mạn"

Sách hiện có ở Thư viện Trường Đại học Khánh Hoà với mã sách: 3408-0001

Thư viện trân trọng giới thiệu!